Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

Tôi gặp anh trong một lần đi thực tế. Lần đó tôi đi theo đoàn sang trường em gái anh để tìm hiểu về Khổng Tử. Ngay lần gặp đầu tiên, tôi đã khiến Tống Gia Linh phải sửng sốt. Mãi sau này tôi mới biết, Gia Linh sửng sốt không phải vì tài nói láo của tôi, mà cô bé sửng sốt vì tôi rất giống một người.
  Ngay buổi đầu gặp mặt, sau nửa ngày trò chuyện và làm việc, tôi đã được Gia Linh mời về nhà chơi, vì nhà cô ở ngay trong thành phố - nơi tôi đang có mặt để làm việc trong thời gian ngắn ngày. Cứ ngỡ lời mời chỉ là khách sáo, đáp lại tấm chân tình của Gia Linh bằng một lời lịch sự “Nếu có thời gian nhất định tôi sẽ đến thăm gia đình em”. Nào ngờ, lời hứa viển vông đó của tôi lại trở thành món quà mà Gia Linh tặng anh – người đàn ông mà bây giờ tôi gọi bằng cái tên “Người hoài cổ”.
  Chiều hôm ấy, khi buổi gặp mặt và làm việc đầu tiên trôi qua đầy ấn tượng, chúng tôi tạm biệt nhau, trước khi chia tay, tôi không quên tiễn Gia Linh ra tận cửa. Và cũng chính lần tiễn này, tôi gặp anh, gặp cái nhìn đầu tiên mà anh dành cho tôi khiến tôi không sao quên được, cái nhìn ấy như vừa lạ vừa quen, cái nhìn như đong đầy nỗi nhớ, cái nhìn chất chứa nỗi buồn của một “người hoài cổ”. Và cũng chính cái nhìn ấy khiến tôi sợ hãi, cái nhìn ấy đã đẩy một kẻ nhút nhát như tôi càng thêm xa anh, tệ hại hơn chính cái nhìn ấy đã tạo dựng một suy nghĩ không tốt về anh trong tôi....
  Phải nói rằng  anh là một người có vẻ ngoài lịch sự, vẻ mặt hiền từ, giọng nói ấm áp, cử chỉ đứng đắn...song tất cả những  vẻ bên ngoài đó của anh không đủ mạnh để xua đi sự mặc cảm trong tôi về ánh mắt ban đầu anh dành tặng cho tôi. Từ lúc đó tôi càng cẩn thận hơn với Gia Linh.
  Buổi tối, khi trở về khách sạn, mọi người trong đoàn đang chuẩn bị ra ngoài để thưởng thức cảnh đêm nơi thành phố hoa lệ này, thật bất ngờ khi  có người mang đến bó hoa tuyệt đẹp, trên đó là tấm thiếp có tên tôi, dẫu chữ viết không đẹp và nguệch ngoạc của người ngoại quốc, nhưng đủ để mọi người trong phòng nhận ra chủ nhân của món quà đó là tôi chứ không phải ai khác. Mọi người bắt đầu trêu chọc, còn tôi, tôi chẳng cảm thấy vui gì khi phải nhận món quà bất đắc dĩ đó. Dẫu chưa cần điều tra thì tôi cũng lờ mờ nhận ra rằng, người gửi món quà đó cho tôi không ai khác chính là người có ánh mắt đặc biệt lúc ban chiều. Trong đầu tôi cũng chẳng thể nghĩ được điều gì tốt đẹp hơn ngoài ý nghĩ : “ Mấy trò tán gái vớ vẩn của bọn hâm đời!”. Tôi cũng chẳng để ý nhiều, những thứ lạ mắt nơi xứ người làm tôi quên nhanh chóng.
  Sáng hôm sau, theo lịch làm việc, tôi lại gặp lại Tống Gia Linh. Em hỏi tôi về món quà tối qua. Không biết do vốn tiếng Anh ít ỏi của tôi hay tại tôi quá hồn nhiên mà tôi trả lời em một câu ngắn gọn.
-         Cảm ơn
Và từ đó tôi thấy mình không còn đủ sức thân thiện với em như ngày đầu gặp mặt, có lẽ tại tôi e ngại hay kiến thức văn hóa của tôi còn quá nghèo nàn về dân tộc em mà tôi không sao gần em được nữa. Tôi bắt đầu có ý tránh em trong giao tiếp. Có lẽ dẫu hai nền văn hóa dù có khác nhau thì thái độ đó của tôi cũng vẫn đủ để em hiểu ra rằng : “ Tôi không còn mặn mà về cuộc viếng thăm gia đình em như trong lời hứa buổi ban đầu”. Gia Linh bắt đầu có vẻ cũng tránh tôi, nhưng dù em có ý tránh tôi thì tôi vẫn nhận ra rằng sâu thẳm trong trái tim em, sự hiện diện của tôi vẫn làm em không thể thờ ơ lãnh đạm. Một ngày, hai ngày...và đến ngày thứ ba thì Gia Linh không còn bình tĩnh tránh tôi được nữa. Em chủ động nhắn tin mời tôi ăn trưa.
  Sau khi đọc tin nhắn, tôi ngước mắt nhìn Gia Linh, gặp ánh mắt của em, ánh mắt đó đủ để tôi chợt nhận ra rằng lời mời của Gia Linh không còn đơn thuần là lời mời cơm đơn giản, sự linh cảm mách bảo tôi rằng hình như có một điều Gia Linh muốn nhờ tôi.
 Do buổi chiều hôm đó chúng tôi không có lịch làm việc và cũng chỉ còn có một ngày nữa thôi là tôi phải trở về xứ sở của mình, sự tò mò cùng với niềm tin tưởng đã khiến tôi đồng ý với em.
 Khi chúng tôi đến một nhà hàng lớn, Gia Linh đã nói trước với tôi về sự có mặt của anh. Anh ngồi đó, vẫn ánh mắt ấy càng làm tôi sợ hãi hơn. Nhưng ở cái xứ người này, ngoài vốn tiếng Anh ít ỏi tôi có trong người thì tôi chẳng còn biết làm gì là đặt mọi tin tưởng vào Gia Linh. Bữa trưa của chúng tôi diễn ra thật chậm dãi, qua lời giới thiệu của Gia Linh, tôi được biết anh tên là Tống Gia Vĩ, anh làm một nhà kinh doanh khá nổi ở cái thành phố hoa lệ này...ăn trưa xong, anh lái xe trở tôi và Gia Linh về khách sạn của tôi. Đúng là các cụ ta từng nói “Điếc không sợ súng”. Do không biết đường nên anh đưa đi đâu tôi cũng không biết nữa, chỉ thấy lâu không về khách sạn, xe chạy rất nhanh ra đường quốc lộ về phía ngoại thành, lòng vòng rồi tôi chợt giật mình khi nhận ra xe đang đi vào một nơi nhà mồ của thành phố, gọi là nhà mồ nhưng ở đây rất đông người qua lại. Xe dừng lại, lúc này tôi cứ ngỡ đó là phong tục của người Hoa, khi thân thiết người ta sẽ dẫn mình đến thăm người đã khuất. Ra khỏi xe,  trời đầy tuyết khiến tôi rùng mình, anh vội cởi chiếc áo khoác của mình để nhường cho tôi, theo phản xạ tôi liền từ chối, nhưng nhìn thấy ánh mắt của anh tôi không còn cách nào ngoài cách chấp nhận khoác chiếc áo lên mình và  nói lời cảm ơn bằng câu tiếng Anh mà ai cũng nói được. Ghé vào cửa hàng dịch vụ, Gia Linh và anh mua hoa để viếng người đã khuất. Ba chúng tôi đi qua mấy khu để di hài, tới hàng thứ 5 thì tới nơi mà chúng tôi phải tới. Đứng trước tấm di ảnh, anh nhìn tôi và nhìn lên di ảnh của người đã khuất. Giữ phép lịch sự, tôi cũng nhìn theo. Trời ơi, tôi không sao tin nổi, hình như có một phép nhiệm màu nào đó làm tôi không  nhúc nhích được nữa. Tôi chỉ biết nhìn anh, nhìn Gia Linh để bày tỏ sự cảm thông sâu sắc. Sự bất đồng ngôn ngữ giữa chúng tôi không làm ảnh hưởng đến sự giải thích không lời. Tấm di ảnh của người đã khuất chính là minh chứng cho mọi sự hoài nghi của tôi. Sao cô ta lại giống tôi đến lạ. Giờ thì tôi đã hiểu, cuộc viếng thăm trôi đi lặng lẽ. Chúng tôi trở ra xe bằng những bước chân chậm dãi, không ai nói với ai, nhưng tôi nhận ra rằng, anh và Gia Linh buồn hơn nhiều lắm.
  Về khách sạn, Gia Linh mượn cớ bận vì có hẹn buổi chiều. Còn anh, ngồi đối diện với tôi trong nhà hàng, anh đã kể cho tôi nghe về lần đầu tiên gặp tôi khi nghe Gia Linh khoe có người giống người xưa của anh đến sợ. Dẫu không thể hiểu hết những gì anh nói, nhưng tôi vẫn nhận ra nét đau buồn đang hiện trên khuôn mặt anh và tôi hiểu người xưa quan trọng với anh đến nhường nào. Còn tôi, chỉ biết cầu chúc cho anh niềm hạnh phúc, khuyên anh hãy quên đi người xưa mà lo hạnh phúc hiện tại cho bản thân mình. Tôi chỉ là ảo giác mà thôi, nơi trái tim tôi cũng đã có chỗ cho một người, người đó cũng mãi là người mà  tôi hoài cổ giống như anh.
  Giờ  nghĩ lại, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng. Có thể nói, trong những tuổi đời mà tôi đã sống, không ít những chuyện bất ngờ đến với cuộc đời tôi, trong đó niềm vui ít hơn nỗi buồn nhiều lắm. Song ấn tượng về anh sẽ mãi là một kỉ niệm không thể phai mờ nơi trái tim tôi. Cầu chúc cho anh cố quên đi người xưa ấy, hãy gói gọn một bóng hình mà cất giấu ở một góc xa xôi. Mong anh đừng trở thành người hoài cổ như tôi đã từng gọi anh .

Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Bước vào quán cơm bình dân quen thuộc, nó gọi một suất cơm như mọi ngày và chọn một chỗ mát nhất để ngồi. Đối diện với nó là hai mẹ con  người đàn bà lạ mặt, nó cúi đầu chào người lạ một cách xã giao. Dường như không quen với cách giao tiếp đó, người đàn bà không hề đáp lại sự cung kính của nó dành cho bà!
   Nhân viên cửa hàng cơm đưa đến trước mặt nó một suất cơm như nó đã gọi, cốc nước mát phần nào làm giảm nhiệt cái nắng oi ả một cách hiệu quả.
-         Cháu mời cô, mời em!
-         Cháu ăn đi! – Người đàn bà vội vàng đáp lại khi nhận được lời mời cơm truyền thống khi vào bữa của người Việt.
Nó ăn và nghĩ: kể cũng hay, vậy là mình và cô ấy cùng em này đang ngồi cùng “mâm”, không khí gia đình ùa về đột ngột làm cho bữa cơm bụi hôm nay không giống mọi ngày.
-         Con ăn đi, mẹ không ăn đâu! – lời của người đàn bà luống tuổi!
-         Mẹ ăn đi, con không ăn hết! – cô bé con đáp lại mẹ mình!
Hai mẹ con người đàn bà đối diện cứ đưa đẩy nhau mấy miếng thức ăn trên đĩa cơm đã gọi. Lúc này nó mới tò mò để ý, một suất cơm dường như không có nhiều đồ ăn đang ở trước mặt người đàn bà, còn một suất cơm đầy ắp những thức ăn ngon thì ở ngay trước mặt bé gái.
-         Từ mai mẹ còn gọi cơm như thế này là con không ăn đâu! – Cô bé phụng phịu nói.
-         Con ăn đi cho khỏe để còn thi cho tốt – người mẹ ân cần!
Dường như để làm vui lòng con, bà ăn một cách ngon lành suất cơm không có nhiều đồ ăn của mình. Họ vừa ăn vừa nói chuyện về làng quê của họ, về ngày mùa gặt hái….
Trước cảnh tượng như vậy, nó bỗng thấy đĩa cơm của nó nguội lạnh và đắng ngắt, những miếng cơm không còn mùi vị của thức ăn, nhìn người đàn bà cặm cụi ngồi ăn bên đĩa cơm chỉ có rau và đậu phụ, mắt nó trợn to hơn cho nước mắt đỡ trào ra, trước mắt nó, hình ảnh mẹ nó năm nào đưa nó đi thi đại học đang ào về rất rõ nét, giờ mẹ đang  ở nhà bên những luống rau xanh!
  Nó bỏ cơm bước nhanh ra khỏi quán, tới quầy tính tiền và nhờ cô nhân viên mang một đĩa thức ăn tới bàn hai  mẹ con người đàn bà lạ. Nó phóng xe đi, thầm nghĩ trong đầu: “Mẹ ăn ngon nhé mẹ ơi!”
 Tình mẫu tử là thứ tình cảm thiêng liêng nhất trên cõi đời này, và người mẹ nào cũng đáng kính trọng biết bao!